Sunday, March 21, 2010

Daily Pad

10h50 AM
Bình minh!!! Tehhee :"P
Sụt sịt cả tối không ngủ được, khổ quá, trận cảm cúm đầu tiên của năm và là trận thứ n mũ n trong đời mình :( thật mệt mỏi...

1h PM
Đi nộp bài "Kế hoạch chủ nhiệm lớp", chết mất, nộp xong mới phát hiện ra tên của cô đánh sai. Cái này không phải tại ai à nhen, cái này là tại... cô.
Thứ 1: tại cô không nói rõ tên tuổi lúc giới thiệu thành ra học viên ấm ớ.
Thứ 2: cái đứa ở khóa trước mà mình lấy bài nó để mô-đi-phê đi cũng sai y thế, cô chỉ gạch chân tên cô mà không thèm sửa lại cho đúng thì ai biết đằng nào mà lần chứ.
Chung quy vẫn là tại cô :"D

2h15 PM
Thi!!!!!! Báo động đỏ-cực-đỏ!!!!!!!!!!!
Thầy không cho mở sách chép bài :-O tin nổi không đây?! Có ai học đâu cơ chứ, đã thế xui xẻo thế nào lại ngồi bàn đầu, vậy là công toi, chẳng làm ăn gì được.

3h PM
Tình hình là bài tập đã làm xong (Tạ ơn Trời Phật là con đã làm bài này ở nhà nên vẫn còn nhớ, bịa ra thêm nữa cũng vừa tròn 2 trang ^^!) nhưng câu lý thuyết không sách thì bố mình cũng phải bó tay. Ngồi nhìn xung quanh cười hềnh hệch như con dở thôi chứ làm được gì nữa. (Mỗi thế mà cũng không xong, bị thầy nhắc "Tập trung nào bàn 1" :-O)

3h8 PM
Đời tàn rồi!!!!

3h10 PM
Chị hàng xóm thương quá xé cho tờ phao, chép vội chép vàng cái đề mục đáp án, bỏ qua phần phân tích, thế là vừa kịp nộp bài.

3h15 PM
Nộp bài. Tự hỏi tại sao thầy phải làm thế chứ?! Thầy làm thế thì được gì đâu?! Cô giáo dạy bọn em còn cho mở vở ra chép nữa là thầy. Haizzzz, nếu có cơ hội em sẽ đề cử thầy nhận giải thưởng "Vì sự nghiệp chống tiêu cực trong thi cử" (Nếu giải đó tồn tại =_=)

6h45 PM
Viva!!!! Mà-má cho ăn bún mắm tôm với nem...khoản mắm tôm thì em kiếu, nhưng bún nem thì OKx2!!!

7h15 PM
Yu-chan: Con ăn xoài được không?
Mà-má: Ừ, con ăn đi. Đưa mẹ gọt cho.
(Gọt)
Mà-má: ăn tất nhé.
Yu-chan: không, con chỉ ăn một nửa thôi. Mà để xem tình hình thế nào đã.
"Con"/ Phù Tô/ Ngốc xít/ Tồ tẹt (watever =_=): ăn thì ăn luôn mà không ăn thì thôi. nhận rồi không ăn ai ăn cho.
Yu-chan: Bố!
"Con": Dám đổ thừa cho bố à, coi bố là thùng nước lèo chắc?! Đồ bất hiếu!!!

Ack, mình mà bất hiếu sao?! :-O chính bố, lúc nào đó, tự nhận mình là thùng nước lèo của gia đình mà (dù không phải lúc nào bố cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấy =_=)

8h PM
Nghe rêu rao Vinaphone bán Iphone 3GS giá 4 triệu, Viettel 0 VND o_O chạy lên mạng xem thực hư ra sao... biết ngay mà... lại bán kèm gói dịch vụ giá cắt cổ!!!! Ta thik Iphone thật nhưng chưa đến nỗi ngu mà cống tiền vào mấy cái dịch vụ khùng đó đâu! (Vả lại ngay từ đầu ta đã nhìn thấu ý đồ của các người. Muahhahah!!!)

10h57 PM
Mình phải làm gì tiếp theo đây?!!!

Mèo Angus, quần lọt khe và nụ hôn thắm thiết + Giờ mình là bạn gái của Thần Nóng Bỏng - Louise Rennison

 
Thông tin truyện:
Tập 1: Mèo Angus, Quần lọt khe và Nụ hôn thắm thiết
Tác giả: Louise Renninson.
Dịch giả: Phương Huyên
Số trang: 240 – Hình thức: bìa mềm
Giá bìa: 40.000 VND (giảm giá còn 30.000 VND tại Đinh Lễ)



Tập 2: Giờ mình là bạn gái của Thần Nóng Bỏng
Tác giả: Louise Renninson
Dịch giả: Phạm Trần Hải Hà
Số trang: 220 – Hình thức: bìa mềm
Giá bìa: 37.000 VND (giảm giá còn 28.000 VND tại Đinh Lễ)

*Truyện thích hợp cho các bạn gái từ 15 đến 22 tuổi. Chống chỉ định với các bạn nam (nếu đọc truyện này, con trai sẽ thực sự nghĩ con gái là một lũ điên mất >.<")
-------------------------

Mình là Georgia Nicolson. Bố mình không có cả râu lẫn kho chứa đồ. Mẹ mình đội cho mình cái mũ lố bịch có bịt tai và đính cả bầy vịt. Đứa em ba tuổi bốc mùi chuột đồng của mình thường xuyên tè dầm ra giường mình và bắt mình phải đóng giả “em heo béo ị ngoan ngoãn.” Con mèo hoang Scotland điên rồ toàn tập của mình suýt nữa thì chén mất con chó xù nhà hàng xóm. Mình định đá một kẻ mình chưa từng thích nhưng thậm chí còn chẳng có lấy một cơ hội vì hắn đã đá mình trước rồi. Mình đã gặp được chàng bạch mã hoàng tử Thần Nóng Bỏng nhưng chàng không những già hơn mình tận ba tuổi mà lại còn đang cặp kè với con nhỏ nhớt nổi tiếng nhất trường…

Và mình sắp phải đối diện với sinh-nhật-tuổi-mười-lăm-thảm-họa-khốn-kiếp-gấp-đôi...



Đó là những dòng tự thuật của cô bạn mười bốn tuổi Georgia Nicolson, cô nàng hài hước nhất trong số những cô nàng hài hước của năm (nếu thực sự có cái giải đó tồn tại :|). Như mọi cô bé mười bốn tuổi khác, Georgia luôn gặp rắc rối ở trường, ở nhà, và đặc biệt là với đám con trai kỳ kỳ cục cục đó. Chẳng có vẻ gì là một cô nàng thông minh hay cực kỳ sành điệu, như mọi cô bé bình thường khác trên thế giới này, Georgia nhiều khi ngốc nghếch đến ngờ nghệch, thậm chí có chút xấc xược và lanh chanh của tuổi mới lớn, nhưng trên hết, đó là một cô nàng dí dỏm, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ thực sự từ bỏ niềm hy vọng và mơ ước của mình (dù rằng bản thân niềm hy vọng và mơ ước đó cũng thật “tầm thường” như của nhiều người trong chúng ta vậy :”D).



Nếu bạn là fan của thể loại teen, chick lit, hay đã từng ngấu nghiến “Nhật ký tiểu thư John”, “Nhật ký công chúa”, bạn không thể bỏ qua “Mèo Angus, quần lọt khe và nụ hôn thắm thiết”“Giờ mình là bạn gái của thần nóng bỏng”. Xuất sắc tương đương nhưng thú vị và hài hước gấp đôi. Đây cũng là hai tập đầu tiên trong series “Tự thú của Georgia Nicolson” – một trong những series dành cho lứa tuổi teen liên tục xếp hạng bestseller tại Anh và Mỹ, và cũng là hai tập trong series này được chuyển thể thành phim cùng tên (nguyên bản tiếng Anh: Angus, Thongs and Perfect Snogging) để tìm hiểu thêm về cô bạn đáng yêu và… kỳ quặc đến nhố nhăng này :))



Hãy bắt đầu với “Mèo Angus, quần lọt khe và nụ hôn thắm thiết” và cùng cười vỡ bụng với Georgia Nicolson!!!

Thất Dạ Tuyết - Thương Nguyệt

Tên sách: Thất Dạ Tuyết
Tác giả: Thương Nguyệt
Dịch giả: Lục Hương
Thể loại: Tân kiếm hiệp Trung Quốc
Danh hiệu: Tiểu thuyết kiếm hiệp bán chạy nhất năm 2007
Hình thức: Bìa mềm - Số trang: 532
Ngày sản xuất: 2/2009
Giá thực: 85.000 VND - Giảm giá (Đinh Lễ): 60.000 – 68.000 VND (có sự chênh lệch về giá là do một vài cửa hàng lẻ được Nhã Nam triết khấu 30% nhân dịp đặc biệt; còn thông thường sách Nhã Nam được giảm từ 20 – 25%).
****************
Không dám tự xưng mình là một môn đệ của dòng truyện kiếm hiệp Trung Quốc, từ lâu Yu vốn chỉ an phận với Kim Dung, gần đây nhất có đọc “Vô Cực” và “Vương Quốc Ảo” của Quách Kính Minh, nên để gọi là định hình được một nhận xét đúng đắn và đánh giá khách quan về dòng truyện võ hiệp này có lẽ cũng chưa thực thành công.

Nhắc đến Kim Dung có lẽ cũng không cần phải bàn nhiều, thậm chí nhiều người “ngoại đạo” cũng còn biết đến tên tuổi của cây đại thụ tiểu thuyết kiếm hiệp này; còn Quách Kính Minh, dù là một tác giả còn rất trẻ, nhưng lối viết theo phong cách Tân Kiếm Hiệp cũng để lại trong lòng người đọc ít nhiều dấu ấn sâu đậm. Nhưng dẫu sao Kim Dung, Kính Minh cũng đều là các nam tiểu thuyết gia – cũng là lẽ hợp lý thôi vì đối với dòng truyện kiếm hiệp thì dù là Kiếm hiệp cổ hay Tân kiếm hiệp cũng khiến người ta nghĩ ngay đến những cây bút xuất sắc đằng sau những tác phẩm đậm chất phong trần, tiêu sái như vậy ắt hẳn phải là những Hán tử. Nhưng Thương Nguyệt đã làm tất cả những ai giữ định kiến đó phải ngỡ ngàng. Một cây bút nữ, hơn nữa còn rất trẻ (sinh năm 1979) nhưng lại cho ra đời những tác phẩm vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt và cũng không thiếu chất phong trần trong đó.

Tác phẩm đầu tiên của Thương Nguyệt Yu được đọc là "Thất Dạ Tuyết". Một tác phẩm thể hiện đúng chất nữ-nhân-cầm-bút-động-giang-hồ. Mạnh mẽ, quyết liệt nhưng chan chứa một chữ “tình”.

Nếu bạn đã quen với kiếm hiệp cổ, hay bạn là người chỉ ham mê những chiêu thức, môn phái, chính – tà phân ranh rõ rệt, Thất Dạ Tuyết có lẽ không dành cho bạn. Trong Thất Dạ Tuyết cũng có những yếu tố đó thật, nhưng nó gần giống như một thứ gia vị cần có để câu chuyện thêm đậm đà nhưng không đủ làm nên cái cốt của chuyện. Thất Dạ Tuyết xoáy sâu vào thù hận và tình ái nhiều hơn, mang tâm hồn của một thiếu nữ nhẹ nhàng, nhưng cũng dữ dội. Thi thoảng phảng phất nét gì đó hư vô không rõ tên gọi.

Vẫn lấy bối cảnh thời xa xưa với những bậc anh hùng hào kiệt, tranh đoạt thiên hạ bằng đao kiếm, Thất Dạ Tuyết mở ra cho người đọc một trường tranh đấu khốc liệt giữa hai phe phái đỉnh cao: Đỉnh Kiếm Các ở Trung Nguyên và Ma giáo ở Tây Vực. Vẫn là những nhân vật với sốt phận lắt léo, hận thù ngang trái, tình ái sầu khổ: Hoắc Triển Bạch với mối tình si ấp ủ hơn chục năm trời, Tiết Tử Dạ muốn cải thiên ý đưa người thương từ cõi chết trở về, sát thủ Đồng với những mưu toan lạnh lùng, tàn bạo nhưng ngay chính thân thế mình ra sao cũng không rõ, vương tử Lâu Lan Nhã Di giằng xé giữa chữ Trung, chữ Tình… Tất cả bọn họ, mỗi người một số phận, nhưng trong bảy đêm lạnh lẽo tuyết rơi mù trời đã bị đẩy lại về chung một chỗ, rơi vào lưới thù-tình ân ân oán oán, đan xen nhau không dứt.

Ngay cả khi truyện đã gấp lại rồi, vẫn không khỏi khiến người ta mang một nỗi bâng quơ vô định. Vẫn biết kiếm hiệp 10 quyển thì cả 10 đều không có được một cái kết có hậu trọn vẹn cho tất cả những nhân vật trong đó nhưng sao với Thất Dạ Tuyết, người ta càng cảm thấy sầu hơn, thê lương hơn?! Phải chăng vì số phận những con người ấy quá éo le, quá ngang trái… họ đã đi cả chặng đường đời trong lầm lạc, đeo đuổi những cái đích mà cuối cùng chỉ là hư không, ảo ảnh; đến giây phút tưởng chừng như chạm tới ánh sáng nhưng hóa ra vẫn chỉ là thứ ánh sáng le lói trong đêm tàn… người ra đi đã đi xa mãi mãi, người ở lại vẫn tiếp tục tranh đấu không thôi.

Quả thực, tuy chưa phải là một trang thiên anh hùng ca sánh ngang với những "Anh hùng xạ điêu", "Đa tình kiếm khách vô tình kiếm" hay "Ngịch thủy hàn"… nhưng Thất Dạ Tuyết thực sự đã viết lên khúc tình ca ai oán, bi thương nhất làm rung động lòng người trong đêm đông lạnh giá.

Wednesday, March 17, 2010

Daily Pad

1h09 PM

Vừa kết thúc việc dọn dẹp mấy bài "cảm thụ văn học" từ hồi còn ở Yahoo!360, may vẫn còn lưu lại trong máy... Phew, mệt... rất mệt đối với người lười như mình.

Hôm qua lại ngồi dịch Blue Bloods - The Masquerade tới khuya, cảm thấy trong người không còn tỉnh táo nữa rồi.

Đi ngủ đã rồi tính tiếp =_=

---------------------------

1h11 PM

Chợt nhớ ra chiều phải đến nhà chị Thủy... Ôi! Mệt!!!

Thiếu nữ đánh cờ vây - Sơn Táp


Như một định mệnh...


Tôi ít khi đọc các tác phẩm có thiên hướng nói về tình yêu nam nữ, đặc biệt là truyện với kết cục u sầu, bi đát lại càng không, tránh được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có lẽ vì tôi không đủ can đảm để "trải nghiệm" những nỗi đau, những số phận nghiệt ngã, những mảnh đời chỉ toàn thấy một màu đen tối xám xịt trong những tác phẩm lãng mạn, bi kịch. Tôi đã từng mất cả 1 tuần ngồi suy nghĩ đau đáu, chỉ luẩn quẩn trong đầu 1 câu hỏi duy nhất: "Tại sao...?", sau khi đọc xong cuốn "Con hủi". Thế nên, từ sau đó tôi cố tình tránh đọc những câu chuyện tình éo le, bi lụy. Thế mà...


L. Dung, bạn tôi, từng kể cho tôi nghe về "Thiếu nữ đánh cờ vây" của Sơn Táp. Chưa nghe hết đầu hết đũa, tôi đã hỏi mào đầu ngay "Có buồn không?", "Có, chết!". Thế là chấm hết, chẳng còn hứng thú mà đọc nữa. Phải gần 5 tháng sau đó, một lần rất tình cờ, tôi lại được nghe đến cái tên ấy một lần nữa. Chiều thứ 3 rồi, gặp Thư Béo hỏi mượn quyển "Ringu", 2 đứa chẳng hiểu ma xui quỉ khiến thế nào nhắc đến "Thiếu nữ đánh cờ vây". Tôi nghe Thư liến thoắng 1 hồi về chuyện nó thích truyện này ra sao, hấp dẫn nó thế nào. Nhưng tóm lại, có lẽ chính cái chi tiết "thiếu nữ không tên" đã khiến tôi tò mò. Chiều thứ 5, ngồi search trên mạng, đọc! Tôi đã từng nghe L. Dung nói, truyện này có nhiều cảnh "hot" lắm. Phải công nhận là vậy! Tôi không biết liệu bao nhiêu người bị hấp dẫn bởi chi tiết này mà tìm đọc truyện (giống kiểu "Rừng Nauy", tôi chưa bao giờ nghĩ rằng "Rừng Nauy" hay, nó nổi có lẽ 1 phần vì đi tiên phong trong việc tả chân 1 lối sống quá ư buông thả của thanh niên Nhật, được xen vào những cảnh nóng, chi tiết được "quảng cáo" khắp nơi trên các mặt báo). Thôi thì tạm gác những pha nóng bỏng trong truyện đi (tôi cũng không có thời gian nên hầu như chỉ tập trung vào những đoạn 2 người chơi cờ với nhau), tôi chỉ muốn bàn về tình cảm của 2 con người vô danh ấy. Sao lại không tên?... Chàng trai ít ra còn có cái danh Trung uý, một sĩ quan Nhật với tính cách đặc trưng của mọi đàn ông Nhật, trầm tĩnh, nhẫn nhịn, yêu nước 1 cách tuyệt đối và có con mắt coi thường phụ nữ. Còn cô gái, chẳng tên, chẳng danh xưng, chỉ được lưu vào trí não người đọc đơn giản là "thiếu nữ đánh cờ vây", nhưng có lẽ tôi thích gọi cô là "em gái Trung Hoa", giống như cái cách mà chàng sĩ quan hay gọi cô trong ý nghĩ.


Ngay từ những trang đầu truyện, tôi chợt bắt gặp mình lúng túng không bắt kịp nội dung truyện, hết 2 trang tôi mới nhận ra lối viết lạ lùng của nhà văn. Sắp xếp câu chuyện như 1 quyển nhật kí đôi của 1 cặp yêu nhau, mỗi trang dành cho 1 người. Thảo nào mà ban đầu tôi băn khoăn không hiểu sao nhân vật "tôi" này lạ lùng thế, rõ là con trai, nhưng sao nhiều khi như con gái (?!). Nhưng ngoài vậy ra tôi cũng chẳng thấy câu chuyện có gì thú vị, tôi chẳng thích gì nhân vật người thiếu nữ, với thứ tình cảm phù phiếm mà cô phơi bày ra cho người đọc, với tình cảm cô dành cho Mẫn và Kinh mà ngay cả chính cô cũng không biết rõ có phải là yêu hay không. Chỉ cho đến những chương cuối cùng....


Tôi thích nhân vật chàng sĩ quan! 1 anh chàng còn trẻ, chỉ tầm 23, 24 nhưng kinh nghiệm cả đời lẫn tình đều khá ư "phong phú". Cái cách suy nghĩ của anh rất giống 1 nhân vật trong manga tôi yêu thích, Saitou của "Kaze hikaru". Nhưng trên hết cả là tình yêu anh dành cho "em gái Trung Hoa" của anh. Một thứ tình câm. Tình câm mà sao mãnh liệt và tha thiết! Không thể phủ nhận bản chất "vẫn chỉ là 1 thằng đàn ông" của anh chàng, những ham muốn nhục dục ngay từ lần đầu họ gặp nhau, nhưng quan trọng là chàng ta chẳng đủ can đảm để chạm vào người thiếu nữ, bởi vì chàng đã yêu, yêu từ trước khi kịp nhận ra mình đang yêu!!! Vì yêu nên chàng trai trân trọng cô và giữ gìn cho cô, tôn thờ cô. Còn chẳng thấy cô gái nghĩ về anh chàng là bao nhiêu, chỉ cho đến gần cuối truyện, khi đi với Kinh, cô mới nhận ra tất cả là "phù phiếm", kể cả chuyện tình với Mẫn, chỉ có 1 người mà cô cho là trung thành với cô (còn hơn cả cô tưởng nữa kìa!) ở nhà chờ cô, thế mà cô lại bỏ đi, cô muốn trở về... Nhưng tôi thật sự không biết cái hình tượng "bạn cờ trung thành" trong ý nghĩ cô gái có thật hướng về chàng trai hay chỉ là ẩn dụ cho cuộc sống trước đây của cô, trước khi gặp Mẫn và Kinh, cuộc sống chỉ cần biết cờ vây, cuộc sống với nụ cười vui tươi, với ánh mắt thách thức mỗi khi chơi cờ của cô. Nhưng anh chàng sĩ quan si tình thì khác. Cứ khi nào đến lượt trang nhật kí của anh mở ra, mỗi khi anh nhắc đến cô gái Trung Hoa của anh, anh lại dành cho cô quá nhiều sự quan tâm và tình cảm. Anh so sánh cô với những người phụ nữ anh đã gặp, chẳng ai như cô! Anh bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp Trung Hoa ấy, bởi tính cách rất Trung Hoa ấy. Khi gặp cô, anh nhớ cô, anh chỉ có thể tự đối thoại với tình yêu giấu kín trong lòng mình. Còn những lúc không được gặp cô, anh nhớ cô da diết, trong tâm trí anh chẳng còn quân kỉ, chẳng còn gì hết, chỉ còn bóng dáng cô, gắn liền với cái tên "Thiên Phong", nơi gặp gỡ của 2 người. Và cuối cùng... cả tình yêu lớn lao dành cho Tổ quốc cũng đành chịu lép vế trước tình yêu của anh... "Vì em anh sẽ từ bỏ cuộc chiến này, anh sẽ phản bội Tổ quốc anh. Vì em anh sẽ là thằng con bất hiếu, một kẻ làm nhơ nhuốc dòng họ của mình. Tên anh chẳng bao giờ có trong đền thờ những anh hùng. Anh là kẻ bị nguyền rủa." Tại sao anh yêu cô gái Trung Hoa ấy đến vậy.... Tình yêu câm lặng cuối cùng đã thốt ra thành lời, trong nước mắt, trong máu... Nhưng chỉ buồn 1 cái tên của người anh yêu anh cũng không biết...


Sao lại không tên?...


Có lẽ chính chỗ này đây khiến tôi buồn mãi không thôi. Tôi chẳng biết làm sao để giải đáp được câu hỏi này... Tôi chẳng cần biết tên cô gái làm gì nữa, nhưng, như thể chỉ là hỏi hộ chàng trai, giá như anh kịp biết tên cô, nắm giữ 1 cái gì đó thuộc về cô, ít nhất 1 cái tên chẳng hạn. Nhưng chẳng gì hết...


"Để có thể ngắm nhìn người tôi yêu dấu, tôi đã cố gắng giữ cho mắt mở."


Phải chăng tình yêu không cần tên gọi... Nếu tác giả có dụng ý gì đó khi không muốn cho cô gái 1 danh xưng thì, tôi chợt nghĩ, ít ra cũng gây hiệu quả đối với tôi rồi đó. Nó làm tôi phiền muộn, khiến tôi đau đáu mãi không thôi.


Những câu chuyện về tình yêu... chao ôi, chẳng bao giờ tôi hiểu nổi...!!!


Tôi thương người lính Nhật, thương đến vô cùng, dù tôi chẳng thể đồng cảm cùng anh, nhưng tôi vẫn thương anh lắm lắm... Tôi cũng thương thượng cấp của anh, 1 người có lẽ sẽ đồng cảm với chuyện tình bi đát của anh, bởi người đó cũng có 1 kết thúc thật đâu buồn.


Than ôi, những mối tình câm lặng...

Amrita - Banana Yoshimoto

[...] Thế “Amrita” nghĩa là gì?


- Nghĩa là thứ nước mà thần linh dùng để uống, mà người ta vẫn hay gọi là “Cam lộ” đó! Ý là mỗi ngày sống trên đời cũng giống như từng giọt nước ta uống vậy.
...

“Sống như uống lấy từng giọt”. Đó là những gì Banana Yoshimoto muốn gói lại để gửi tớ người đọc trong tác phẩm mà chỉ cái tên cũng đủ để nói lên tất cả: “Amrita”. Trong bản dịch tiếng Việt, tác phẩm được chuyển thành “Nước thánh”, có lẽ do câu nói trên của một nhân vật trong truyện. Tuy nhiên, bản thân từ “Amrita” có nghĩa rất đơn giản. Đây vốn là một từ gốc Phạn có nghĩa là “không chết” (without death, wikipedia). Nhưng chỉ như thế thôi thì chưa đủ, Amrita còn cao hơn thế, thần thánh hơn thế, nó đâu chỉ đơn thuần là “không chết” mà còn là “vĩnh hằng”, “bất tử”. Phải vì thế mà đọc “Amrita” của Yoshimoto, ta gần như phát điên, u mê trong một thế giới của một thế lực siêu nhiên, vượt xa ngoài tầm hiểu biết của con người, được tái hiện qua trí não của một cô gái, một trí não không toàn vẹn... vì cô là người đã “chết một nửa”.

Tôi không muốn tóm tắt lại câu chuyện về Amrita thêm một lần nữa tại đây, điều đó sẽ chỉ khiến bạn nhàm chán vì cốt truyện gần như không có và rất ư tầm thường, có thể bắt gặp trong bất kỳ một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim mà bạn đã từng xem đến phát ngấy. Điều đáng nói duy nhất ở đây (vẫn là) phong cách độc đáo trong lối hành văn của Yoshimoto. Chỉ có thể nói rằng, quả xứng là một trong ba người khổng lồ của nền văn học hiện đại Nhật Bản.


Mới đọc được ¼ câu chuyện tôi đã không muốn đọc thêm nữa rồi. Chẳng thấy một dẫn dụ nào trong truyện để giúp nó đáng được liệt vào hàng danh tác. Nhưng cứ đọc một trang lại không thể không đọc thêm trang tiếp theo được, cứ có cảm giác ta đang bị lôi đi theo từng câu chữ của truyện. Nếu bạn là người không ham mê hay có hứng thú với thể loại “tâm lý, triết lý” thì tôi khuyên bạn tốt nhất ngay từ đầu đừng mua cuốn này về mà làm gì. Có đọc rồi cũng thấy chán mà lại sinh ra ghét lây tác giả. Phải công nhận rằng dù “Amrita” không bằng phân nửa “Kitchen”, không thuộc vào hàng bestseller - những cuốn sách bán chạy nhất, nhưng với hơn 400 trang tràn ngập những ngôn từ lai láng chất thơ, huyền ảo, “Amrita” cuối cùng vẫn cứ xứng đáng là một danh tác.

Đọc truyện ta khó hình dung đây là tác phẩm cùng tác giả với những “Kitchen” đầy mơ mộng, “N.P” dữ dội và mãnh liệt, hay “Vĩnh biệt Tsugumi” ám một màu buồn và rất trải nghiệm. “Amrita” chỉ là hành trình đi tìm kí ức của một cô gái. Truyện không theo một thứ tự thời gian hay không gian nhất định và rõ ràng. Mọi thứ đều lờ mờ như chính kí ức khuyết thiếu của cô. Từng trang truyện chẳng có lấy một chỗ nào đáng gọi là “tình tiết”, tất cả chỉ như một cuốn hồi kí ghi lại những suy nghĩ lan man của cô gái. Cô nghĩ đến đâu chữ như hiện ra tới đó, có thể đang nói về chuyện A thì tình cớ cô lại nhớ ra chuyện B và thế là chuyện B lại được mở ra xen lẫn vào lúc chuyện A đang được kể... lộn xộn như kí ức của cô vậy. Cũng phải nói thêm một trong những yếu tố làm nên phong cách của Banana Yoshimoto là sự huyền ảo, cái hư vô, không có thật và cái có thật, hữu hình và vô hình, sống và chết... đan xen nhau cùng tồn tại trong tác phẩm của cô.Ở bất kì tác phẩm nào của nữ nhà văn Nhật này ta đều bắt gặp những cảnh tưọng mơ màng, huyền ảo, không rõ là thực hay mơ nữa, và cái chết thì được nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh thường xuyên như để nhắc ta rằng nó chính là một phần của thế giới này, có sống thì có chết, không có gì là tồn tại mãi mãi. Từ “Kitchen”, “N.P” đến “Vĩnh biệt Tsugumi” ta đều ít nhiều bắt gặp. Riêng ở “Amrita”, tất cả những điều này còn được khắc sâu, tô đệm thêm bởi từng từ, từng ngữ mà nhà văn đã dùng để truyền tải ý nghĩa của cả thiên truyện. Quả thật, không ngoa khi nói rằng “Amrita” giống một cuốn sách triết học đậm màu huyền bí, kiểu như “tư duy trừu tượng” nhiều hơn là một cuốn tiểu thuyết đơn thuần. Chẳng dễ dàng khi cứ đọc hết trang này sang trang khác mà chẳng rõ truyện đang nói về cái gì, nhất là khi ta lại chưa thật hiểu bản chất của tiêu đề “Amrita” nghĩa là gì. Nhưng càng tò mò muốn khám phá hết thế giới quan mà “Amrita” đã mở ra ta càng muốn đọc hết, hiểu hết từng lời trong đó. Tôi có cảm tưởng như mình đang được chơi một trò chơi RPG (role play game, trò chơi nhập vai) mà tôi, người đọc chính là nhân vật chính. Đọc truyện mà chẳng hiểu rõ bản chất truyện viết về cái gì thì cũng chẳng khác gì một cô gái bị ngã đến độ chấn thương não và mắc chứng rối loạn trí nhớ tạm thời. Cứ như thể chính chúng ta đang sống cuộc sống bồng bềnh, vô định của cô hơn là ta đang đọc về một nhân vật như thể. Cho đến tận cuối cuộc hành trình tìm về với cái Tôi cũ, cái Tôi với kí ức vẹn toàn của nhân vật cũng chính là lúc ta thoát khỏi kiếp trôi nổi đó, khám phá được ý nghĩa thực của “Amrita”. Phải chăng chính điều này đã làm nên sự thú vị cho “Amrita” ? Chỉ khi đọc xong rồi bạn mới có thể trả lời mà thôi.

Tuesday, March 16, 2010

N.P - Banana Yoshimoto


“Một cuốn sách phi thường, với sức mạnh có được từ không khí trang nghiêm, từ sự chân thành đã không bị cái nhìn hoài nghi làm hỏng”
(Toronto Globe)


Giống với Kitchen, N.P xoay quanh câu chuyện về những phụ nữ Nhật trẻ tuổi, và cũng được kể bằng một giọng nữ. Kazami, nhân vật tôi trong câu chuyện kể lại cho chúng ta nghe những hồi ức của cô về một mùa hè đầy kỉ niệm, lạ lùng, hư ảo nhưng vô cùng đáng nhớ.

Nếu đã đọc Kitchen, đã từng được cảm nhận cái không khí hư ảo, dịu nhẹ, thoảng chút tình yêu thưở ban đầu giữa những nhân vật trong đó, có lẽ khi đến với N.P người ta sẽ không khỏi “choáng váng”. Cũng vẫn được dệt nên bởi cái vẻ huyền hoặc khác người, bởi tình yêu, bởi sự cô độc và cả cái chết, nhưng cảm xúc của những nhân vật trong N.P khác hẳn trong Kitchen. Ở N.P, cái chết như một nỗi ám ảnh luôn thường trực, bủa vây lấy ta từ khắp mọi hướng. Cảm tưởng như đường tìm về cái chết thật dễ dàng bởi họ, những nhân vật của N.P nói đến nó như một điều gì đó rất hiển nhiên và tất yếu.

“Tôi đã muốn từ giã cõi đời này. Rất muốn. Một cách thật lòng, thật lòng, rất thật lòng.”

Từ Shoji, người đã thành công khi tìm đến cái chết, đến những Saki, Kazami và đặc biệt là Otohiko và Sui, những con người đang trên bờ vực của mong muốn được chết, tất thảy đều bị ám ảnh bởi một “lời nguyền”, lời nguyền của N.P. N.P là một tiểu thuyết gồm 97 thiên truyện được viết nên bởi nhà văn Takase Sarao. Khi viết đến câu chuyện thứ 99, ông ấy đã tự kết thúc cuộc đời mình, để lại tác phẩm còn khuyết thiên truyện cuối cùng, câu chuyện thứ 100, mà Kazami đã khẳng định rằng, chính là câu chuyện đã xảy ra trong mùa hè đáng nhớ đó, giữa 3 người con của Takase: Saki, Otohiko, Sui và cô.

Cái chết ám ảnh từ trang sách đã bước ra hiện hữu ngoài đời thực…

Trong N.P, người ta dễ dàng nhận thấy tình yêu tràn ngập câu chuyện và rõ ràng hơn trong Kitchen rất nhiều. Nếu như trong Kitchen, phải sau rất lâu, Mikage mới nhận ra tình yêu dành cho Yuichi thì trong N.P, các nhân vật thú nhận về tình yêu của mình rất rõ ràng, bằng cảm xúc và bằng cả ngôn từ. Sui yêu cha của mình theo một cảm xúc của một đứa con bị bỏ rơi, ghen tị với những anh chị em cùng cha khác mẹ của mình, có phải vì thế mà như lời Otohiko nói, cô đã giữ câu chuyện thứ 98, 99 như một hồi ức đẹp mà chỉ cô mới có về cha. “Đối với cô ấy, nó là kỉ niệm duy nhất, chỉ của riêng cô ấy về người bố của mình”. Sui và Otohiko yêu nhau, một tình yêu đồng huyết không được chấp nhận để rồi cả hai đều tự dằn vặt, day dứt mà không sao (hay không muốn?!) thoát khỏi mối tình ấy. Chính bản thân những con người ấy đôi lúc cũng mệt mỏi với tình yêu của chính mình, hẳn chia tay sẽ làm mọi người vơi nhẹ hơn chăng? Nhưng thay vì thế, họ lại tự tìm cho mình đến những cái cớ để níu giữ nhau lại và thậm chí có lúc bàn bạc với nhau sẽ kết thúc tất cả bằng cái chết. Không một ai có thể hiểu nổi nguyên do mối ràng buộc ấy là gì, họ chỉ đành tự an ủi rằng đó là “lời nguyền” mà họ phải hứng chịu.

“Cha và Otohiko có gì khác nhau?

Có biết bao đàn ông trên cõi đời này, tại sao lại cứ phải là những người cùng huyết thống?”

Ngay cả Kazami và Sui, dù không nói ra nhưng rõ ràng giữa họ có một sợi dây gắn kết hai tâm hồn với nhau, và đến giây phút cuối cùng, chính Sui đã thốt lên: Kazami là tình yêu thứ 3 của mình. Tôi chợt nghĩ, họ, tất cả bọn họ, không như Otohiko đã nhận định rằng phải có một lý do nào đấy, đã yêu nhau mà không cần nguyên cớ. Tự cái khí chất trong tính cách con người họ và cả trong quan niệm, trong lối sống của họ đã hấp dẫn những người còn lại. 3 chị em nhà Takase bị hấp dẫn bởi sự lạc quan và tươi trẻ, tràn ngập sức sống của Kazami. Đối với cả 3, Kazami là sự cứu rỗi cho linh hồn đang chịu sự nguyền rủa của họ, nên cũng không phải khó hiểu mà những người đang chán sống nhất, Sui, và sau này là Otohiko, nhận rằng mình yêu cô. Còn chính bản thân Kazami lại không ngộ ra được cái mặt đầy thiện mỹ ấy của mình. Cô luôn hoài niệm và tự vướng mình vào mối quan hệ phức tạp với 3 chị em kia, nói về họ mà cô nói như thể đã biết họ từ rất lâu, lúc nào cô cũng như chìm đắm trong mộng mị, và ở một khía cạnh nào đó, cô cũng nhận thấy cái chết của Shoji, người yêu đã tự sát của cô, cũng có một phần tác động lên cô, và cả cái gia đình không toàn vẹn của cô, và cả thiên truyện số 98 đã khiến Shoji phải bỏ mạng., và… tất cả… Đang giữa những hoài niệm như vậy cô đã gặp Sui, người mang lại cho cô những ấn tượng mạnh mẽ, ấn tượng mà cả cô cũng khó lý giải được…Có lẽ nào là ấn tượng giữa sự sống và cái chết, ấn tượng về sự giằng co mong được giải thoát và sự buông thả để rồi bị nhấn chìm...? Sui có tất cả. Chúng thu hút cô, và dĩ nhiên cũng đã thu hút cả Otohiko một cách mãnh liệt nhất, bởi theo cô đó là điều mà cả cô và Otohiko và cả Shoji, cũng từng có một thời yêu Sui, đều không có.

“Tôi tan lẫn vào bầu không khí bao bọc quanh Sui, và hút lấy niềm đau đớn không sao xác định nổi.

[…]

Tôi.

Đã dõi theo Sui”.

Đọc N.P khiến cho người ta có cảm giác như đang ở giữa một con đường mà mình và những nhân vật trong đó không bao giờ cùng ở một bên. Hoặc là mình ở giữa con đường ấy và họ lướt qua rất nhanh bên cạnh, hoặc là mình lướt qua rất nhanh, để lại bóng dáng họ giữa con đường, trong không gian riêng của họ. Có lẽ giống với cảm giác đang ở trên tàu tốc hành thì đúng hơn.

Thật khó để “mổ xẻ” những cảm xúc trong N.P!

Mỗi khi đọc xong một câu chuyện, người ta thường có một cảm xúc rõ ràng: buồn bã, thích, ghét… cụ thể. Nhưng với N.P, khó mà diễn tả cho thật rành rọt, bởi ngay cả khi trang truyện cuối cùng đã khép lại mà ta cảm tưởng như vẫn chưa nắm bắt được tất cả. Truyện mà không thấy rõ cốt truyện. Ngay cả nhân vật trong chính câu chuyện đó cũng phải nhận định rằng:

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao diễn đạt được một cách hoàn hảo bằng lời những sự việc đã xảy ra sau đó…

Câu chuyện diễn ra vào cái mùa hạ ấy, ngay từ ban đầu, vốn đã là thứ không thể kể được một cách rành mạch. Có chăng chỉ là thứ ánh nắng như đổ lửa và một cảm giác vô tại… Tôi vô tại? Hay chỗ đứng của tôi, hay vai trò của tôi không có thật?”.

Một người bạn của tôi nói “chẳng thể nào “nuốt” nổi N.P”, có lẽ…, nhưng đối với tôi, dù không rành mạch và sáng rõ, nhưng N.P của Banana Yoshimoto đã để lại trong tôi một cảm xúc nào đó, vô định nhưng vẫn hiện hữu, ở đâu đó trong tâm trí...

Kitchen - Banana Yoshimoto


Lần đầu tiên xuất bản tại Nhật vào năm 1988, “Kitchen”, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn trẻ Banana Yoshimoto ngay lập tức trở thành một hiện tượng với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản, hai lần được chuyển thể thành phim và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, gặt hái được nhiều giải thưởng văn học quan trọng, trong đó có giải thưởng Nhà văn mới xuất sắc nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản và giải thưởng Văn học Izumi Kyoka cùng vào năm 1988. Báo chí gọi đó là “Hội chứng Banana”.

Kichen, không nghi ngờ gì, chính là bước khởi đầu tuyệt vời của Banana Yoshimoto. Câu chuyện kể về Mikage Sakurai, một cô gái trẻ có cá tính; từ sau cái chết của người bà, cũng là người thân duy nhất còn lại trên cõi đời này, Mikage luôn cảm thấy cô đơn, lẻ loi, nhiều khi trống rỗng. Có lẽ chính điều đó khiến cô nhanh chóng kết bạn với Yuichi Tanabe, một sinh viên cùng trường đại học với cô, một người mà cô đã từng được biết qua lời kể của người bà quá cố. Lúc còn sống, bà của Mikage vẫn thường đến mua hoa ở cửa hàng nơi Yuichi làm thêm sau giờ học, vì vậy tình cảm hai bà cháu khá khăng khít. Vì lo rằng Mikage có thể bị suy sụp và cần một nơi nương tựa, Yuichi và Eriko, người mẹ kỳ lạ của Yuichi, đã đón cô về cùng sống với họ. Mất đi người thân duy nhất của mình, Mikage như người mất hồn, cô chỉ cảm thấy dễ chịu và phần nào an tâm khi sống trong bếp, một không gian tuy nhỏ nhưng gợi lên biết bao sự đầm ấm của không khí gia đình. Những lúc chuẩn bị bữa ăn cho Yuichi và Eriko, việc duy nhất mà cô có thể làm được như một hành động trả ơn cho lòng hiếu khách của gia đình nhà Tanabe, Mikage ngạc nhiên nhận ra rằng nấu ăn không chỉ là thú vui bổ ích, giúp cô chữa lành tâm bệnh mà đã thực sự trở thành lý do tồn tại đối với cô. Dù vậy, Mikage vẫn tiếp tục sống trong nỗi buồn cô đơn và một mối bất an lúc ẩn lúc hiện, không rõ ràng, chỉ đến khi có một chuỗi sự kiện bất ngờ ập tới, khiến tình yêu chớm nở trong trái tim héo mòn của cô.

Cách dùng đại từ “Tôi” cho nhân vật chính (Mikage) trong “Kitchen” cho phép người đọc cảm nhận được toàn bộ tâm tư cũng như tình cảm của Mikage đối với những nhân vật còn lại trong câu chuyện, thông qua sự mô tả cũng như đánh giá, quan sát của bản thân cô về họ xuyên suốt câu chuyện. Giống như cái cách cô miêu tả Yuichi trong lần đầu gặp mặt: “Nụ cười rạng rỡ quá khiến cho đôi đồng tử của cái người đang đứng đó, nơi thềm cửa quen thuộc, nhìn như gần lại rất nhiều làm tôi không sao rời mắt được.” Hay như cách mà cô cảm nhận về Eriko: “Đây là mẹ cậu ta á? Quá đỗi sửng sốt, tôi không sao có thể đưa mắt nhìn đi nơi khác. Mái tóc dài xoã xuống ngang vai, cặp mắt sắc lẹm có đôi đồng tử lấp lánh thẳm sâu, đường bờ môi rất đẹp, sống mũi thẳng và cao. Toàn thân cô ta toả ra một thứ ánh sáng lộng lẫy tựa như sức sống đang run lên. Cứ như không phải là một con người vậy. Tôi chưa từng thấy một ai như thế.” Trong “Kitchen”, đôi lúc ta cũng bắt gặp những ánh trăng và cả những giấc mơ - những giấc mơ huyền ảo, không rõ là thực hay chỉ là mơ của Mikage. Với sự kết hợp của phép ẩn dụ pha thêm chút huyền bí và lối tả chân cảnh vật cũng như thời gian, Banana Yoshimoto như giúp người đọc “sờ” được vào những ánh trăng ấy, nắm bắt được những giấc mơ ấy. Và tất cả những điều đó đều được Yoshimoto mô tả rất kiệm lời, không dài dòng nhưng sâu sắc, lắng đọng.

Với chưa đầy 200 trang, “Kitchen” thực sự là một “món ăn” văn chương được làm nên bởi những “nguyên liệu” – ngôn từ tinh tế và mềm mại nhất. Nó giống như thứ ánh sáng sáng nhất, xuyên rọi vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta.
“[…] Tôi cứ nằm ngửa ra như thế mà ngẩng mặt lên mái nhà, nhìn vầng trăng và những bóng mây ở bên trên đó, và nghĩ… Tất cả mọi người vẫn thường tin rằng họ có rất nhiều con đường để lựa chọn và có thể tự mình lựa chọn chúng. Nhưng có lẽ sẽ đúng hơn nếu nói rằng, thực ra họ đang mơ thấy cái khoảnh khắc mà mình sẽ được lựa chọn. Tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng vào giấy phút này tôi mới thực sự nhận ra. Tôi nhận ra nó rất rõ ràng bằng một thứ ngôn từ chính xác. Tôi không theo thuyết định mệnh, nhưng những con đường ấy quả thật luôn được định sẵn. Sự hít thở, mọi cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày, những ngày tháng trong vòng quay của nó, một cách tự nhiên, đã định ra những con đường ấy […]


… Ôi, trăng mới đẹp làm sao.”