Tuesday, March 16, 2010

N.P - Banana Yoshimoto


“Một cuốn sách phi thường, với sức mạnh có được từ không khí trang nghiêm, từ sự chân thành đã không bị cái nhìn hoài nghi làm hỏng”
(Toronto Globe)


Giống với Kitchen, N.P xoay quanh câu chuyện về những phụ nữ Nhật trẻ tuổi, và cũng được kể bằng một giọng nữ. Kazami, nhân vật tôi trong câu chuyện kể lại cho chúng ta nghe những hồi ức của cô về một mùa hè đầy kỉ niệm, lạ lùng, hư ảo nhưng vô cùng đáng nhớ.

Nếu đã đọc Kitchen, đã từng được cảm nhận cái không khí hư ảo, dịu nhẹ, thoảng chút tình yêu thưở ban đầu giữa những nhân vật trong đó, có lẽ khi đến với N.P người ta sẽ không khỏi “choáng váng”. Cũng vẫn được dệt nên bởi cái vẻ huyền hoặc khác người, bởi tình yêu, bởi sự cô độc và cả cái chết, nhưng cảm xúc của những nhân vật trong N.P khác hẳn trong Kitchen. Ở N.P, cái chết như một nỗi ám ảnh luôn thường trực, bủa vây lấy ta từ khắp mọi hướng. Cảm tưởng như đường tìm về cái chết thật dễ dàng bởi họ, những nhân vật của N.P nói đến nó như một điều gì đó rất hiển nhiên và tất yếu.

“Tôi đã muốn từ giã cõi đời này. Rất muốn. Một cách thật lòng, thật lòng, rất thật lòng.”

Từ Shoji, người đã thành công khi tìm đến cái chết, đến những Saki, Kazami và đặc biệt là Otohiko và Sui, những con người đang trên bờ vực của mong muốn được chết, tất thảy đều bị ám ảnh bởi một “lời nguyền”, lời nguyền của N.P. N.P là một tiểu thuyết gồm 97 thiên truyện được viết nên bởi nhà văn Takase Sarao. Khi viết đến câu chuyện thứ 99, ông ấy đã tự kết thúc cuộc đời mình, để lại tác phẩm còn khuyết thiên truyện cuối cùng, câu chuyện thứ 100, mà Kazami đã khẳng định rằng, chính là câu chuyện đã xảy ra trong mùa hè đáng nhớ đó, giữa 3 người con của Takase: Saki, Otohiko, Sui và cô.

Cái chết ám ảnh từ trang sách đã bước ra hiện hữu ngoài đời thực…

Trong N.P, người ta dễ dàng nhận thấy tình yêu tràn ngập câu chuyện và rõ ràng hơn trong Kitchen rất nhiều. Nếu như trong Kitchen, phải sau rất lâu, Mikage mới nhận ra tình yêu dành cho Yuichi thì trong N.P, các nhân vật thú nhận về tình yêu của mình rất rõ ràng, bằng cảm xúc và bằng cả ngôn từ. Sui yêu cha của mình theo một cảm xúc của một đứa con bị bỏ rơi, ghen tị với những anh chị em cùng cha khác mẹ của mình, có phải vì thế mà như lời Otohiko nói, cô đã giữ câu chuyện thứ 98, 99 như một hồi ức đẹp mà chỉ cô mới có về cha. “Đối với cô ấy, nó là kỉ niệm duy nhất, chỉ của riêng cô ấy về người bố của mình”. Sui và Otohiko yêu nhau, một tình yêu đồng huyết không được chấp nhận để rồi cả hai đều tự dằn vặt, day dứt mà không sao (hay không muốn?!) thoát khỏi mối tình ấy. Chính bản thân những con người ấy đôi lúc cũng mệt mỏi với tình yêu của chính mình, hẳn chia tay sẽ làm mọi người vơi nhẹ hơn chăng? Nhưng thay vì thế, họ lại tự tìm cho mình đến những cái cớ để níu giữ nhau lại và thậm chí có lúc bàn bạc với nhau sẽ kết thúc tất cả bằng cái chết. Không một ai có thể hiểu nổi nguyên do mối ràng buộc ấy là gì, họ chỉ đành tự an ủi rằng đó là “lời nguyền” mà họ phải hứng chịu.

“Cha và Otohiko có gì khác nhau?

Có biết bao đàn ông trên cõi đời này, tại sao lại cứ phải là những người cùng huyết thống?”

Ngay cả Kazami và Sui, dù không nói ra nhưng rõ ràng giữa họ có một sợi dây gắn kết hai tâm hồn với nhau, và đến giây phút cuối cùng, chính Sui đã thốt lên: Kazami là tình yêu thứ 3 của mình. Tôi chợt nghĩ, họ, tất cả bọn họ, không như Otohiko đã nhận định rằng phải có một lý do nào đấy, đã yêu nhau mà không cần nguyên cớ. Tự cái khí chất trong tính cách con người họ và cả trong quan niệm, trong lối sống của họ đã hấp dẫn những người còn lại. 3 chị em nhà Takase bị hấp dẫn bởi sự lạc quan và tươi trẻ, tràn ngập sức sống của Kazami. Đối với cả 3, Kazami là sự cứu rỗi cho linh hồn đang chịu sự nguyền rủa của họ, nên cũng không phải khó hiểu mà những người đang chán sống nhất, Sui, và sau này là Otohiko, nhận rằng mình yêu cô. Còn chính bản thân Kazami lại không ngộ ra được cái mặt đầy thiện mỹ ấy của mình. Cô luôn hoài niệm và tự vướng mình vào mối quan hệ phức tạp với 3 chị em kia, nói về họ mà cô nói như thể đã biết họ từ rất lâu, lúc nào cô cũng như chìm đắm trong mộng mị, và ở một khía cạnh nào đó, cô cũng nhận thấy cái chết của Shoji, người yêu đã tự sát của cô, cũng có một phần tác động lên cô, và cả cái gia đình không toàn vẹn của cô, và cả thiên truyện số 98 đã khiến Shoji phải bỏ mạng., và… tất cả… Đang giữa những hoài niệm như vậy cô đã gặp Sui, người mang lại cho cô những ấn tượng mạnh mẽ, ấn tượng mà cả cô cũng khó lý giải được…Có lẽ nào là ấn tượng giữa sự sống và cái chết, ấn tượng về sự giằng co mong được giải thoát và sự buông thả để rồi bị nhấn chìm...? Sui có tất cả. Chúng thu hút cô, và dĩ nhiên cũng đã thu hút cả Otohiko một cách mãnh liệt nhất, bởi theo cô đó là điều mà cả cô và Otohiko và cả Shoji, cũng từng có một thời yêu Sui, đều không có.

“Tôi tan lẫn vào bầu không khí bao bọc quanh Sui, và hút lấy niềm đau đớn không sao xác định nổi.

[…]

Tôi.

Đã dõi theo Sui”.

Đọc N.P khiến cho người ta có cảm giác như đang ở giữa một con đường mà mình và những nhân vật trong đó không bao giờ cùng ở một bên. Hoặc là mình ở giữa con đường ấy và họ lướt qua rất nhanh bên cạnh, hoặc là mình lướt qua rất nhanh, để lại bóng dáng họ giữa con đường, trong không gian riêng của họ. Có lẽ giống với cảm giác đang ở trên tàu tốc hành thì đúng hơn.

Thật khó để “mổ xẻ” những cảm xúc trong N.P!

Mỗi khi đọc xong một câu chuyện, người ta thường có một cảm xúc rõ ràng: buồn bã, thích, ghét… cụ thể. Nhưng với N.P, khó mà diễn tả cho thật rành rọt, bởi ngay cả khi trang truyện cuối cùng đã khép lại mà ta cảm tưởng như vẫn chưa nắm bắt được tất cả. Truyện mà không thấy rõ cốt truyện. Ngay cả nhân vật trong chính câu chuyện đó cũng phải nhận định rằng:

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao diễn đạt được một cách hoàn hảo bằng lời những sự việc đã xảy ra sau đó…

Câu chuyện diễn ra vào cái mùa hạ ấy, ngay từ ban đầu, vốn đã là thứ không thể kể được một cách rành mạch. Có chăng chỉ là thứ ánh nắng như đổ lửa và một cảm giác vô tại… Tôi vô tại? Hay chỗ đứng của tôi, hay vai trò của tôi không có thật?”.

Một người bạn của tôi nói “chẳng thể nào “nuốt” nổi N.P”, có lẽ…, nhưng đối với tôi, dù không rành mạch và sáng rõ, nhưng N.P của Banana Yoshimoto đã để lại trong tôi một cảm xúc nào đó, vô định nhưng vẫn hiện hữu, ở đâu đó trong tâm trí...

1 comment:

  1. Cốt truyện" Kitchen - Banana Yoshimoto" viết thật sự rất độc đáo, nội tâm nhân vật "tôi" được khắc họa hết sức sâu sắc. Một câu truyện thấm nhuần ý nghĩa nhân văn. Cùng đón đọc các bạn nhé
    http://idoc.vn/sach/kitchen-banana-yoshimoto.html

    ReplyDelete