Wednesday, March 17, 2010

Amrita - Banana Yoshimoto

[...] Thế “Amrita” nghĩa là gì?


- Nghĩa là thứ nước mà thần linh dùng để uống, mà người ta vẫn hay gọi là “Cam lộ” đó! Ý là mỗi ngày sống trên đời cũng giống như từng giọt nước ta uống vậy.
...

“Sống như uống lấy từng giọt”. Đó là những gì Banana Yoshimoto muốn gói lại để gửi tớ người đọc trong tác phẩm mà chỉ cái tên cũng đủ để nói lên tất cả: “Amrita”. Trong bản dịch tiếng Việt, tác phẩm được chuyển thành “Nước thánh”, có lẽ do câu nói trên của một nhân vật trong truyện. Tuy nhiên, bản thân từ “Amrita” có nghĩa rất đơn giản. Đây vốn là một từ gốc Phạn có nghĩa là “không chết” (without death, wikipedia). Nhưng chỉ như thế thôi thì chưa đủ, Amrita còn cao hơn thế, thần thánh hơn thế, nó đâu chỉ đơn thuần là “không chết” mà còn là “vĩnh hằng”, “bất tử”. Phải vì thế mà đọc “Amrita” của Yoshimoto, ta gần như phát điên, u mê trong một thế giới của một thế lực siêu nhiên, vượt xa ngoài tầm hiểu biết của con người, được tái hiện qua trí não của một cô gái, một trí não không toàn vẹn... vì cô là người đã “chết một nửa”.

Tôi không muốn tóm tắt lại câu chuyện về Amrita thêm một lần nữa tại đây, điều đó sẽ chỉ khiến bạn nhàm chán vì cốt truyện gần như không có và rất ư tầm thường, có thể bắt gặp trong bất kỳ một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim mà bạn đã từng xem đến phát ngấy. Điều đáng nói duy nhất ở đây (vẫn là) phong cách độc đáo trong lối hành văn của Yoshimoto. Chỉ có thể nói rằng, quả xứng là một trong ba người khổng lồ của nền văn học hiện đại Nhật Bản.


Mới đọc được ¼ câu chuyện tôi đã không muốn đọc thêm nữa rồi. Chẳng thấy một dẫn dụ nào trong truyện để giúp nó đáng được liệt vào hàng danh tác. Nhưng cứ đọc một trang lại không thể không đọc thêm trang tiếp theo được, cứ có cảm giác ta đang bị lôi đi theo từng câu chữ của truyện. Nếu bạn là người không ham mê hay có hứng thú với thể loại “tâm lý, triết lý” thì tôi khuyên bạn tốt nhất ngay từ đầu đừng mua cuốn này về mà làm gì. Có đọc rồi cũng thấy chán mà lại sinh ra ghét lây tác giả. Phải công nhận rằng dù “Amrita” không bằng phân nửa “Kitchen”, không thuộc vào hàng bestseller - những cuốn sách bán chạy nhất, nhưng với hơn 400 trang tràn ngập những ngôn từ lai láng chất thơ, huyền ảo, “Amrita” cuối cùng vẫn cứ xứng đáng là một danh tác.

Đọc truyện ta khó hình dung đây là tác phẩm cùng tác giả với những “Kitchen” đầy mơ mộng, “N.P” dữ dội và mãnh liệt, hay “Vĩnh biệt Tsugumi” ám một màu buồn và rất trải nghiệm. “Amrita” chỉ là hành trình đi tìm kí ức của một cô gái. Truyện không theo một thứ tự thời gian hay không gian nhất định và rõ ràng. Mọi thứ đều lờ mờ như chính kí ức khuyết thiếu của cô. Từng trang truyện chẳng có lấy một chỗ nào đáng gọi là “tình tiết”, tất cả chỉ như một cuốn hồi kí ghi lại những suy nghĩ lan man của cô gái. Cô nghĩ đến đâu chữ như hiện ra tới đó, có thể đang nói về chuyện A thì tình cớ cô lại nhớ ra chuyện B và thế là chuyện B lại được mở ra xen lẫn vào lúc chuyện A đang được kể... lộn xộn như kí ức của cô vậy. Cũng phải nói thêm một trong những yếu tố làm nên phong cách của Banana Yoshimoto là sự huyền ảo, cái hư vô, không có thật và cái có thật, hữu hình và vô hình, sống và chết... đan xen nhau cùng tồn tại trong tác phẩm của cô.Ở bất kì tác phẩm nào của nữ nhà văn Nhật này ta đều bắt gặp những cảnh tưọng mơ màng, huyền ảo, không rõ là thực hay mơ nữa, và cái chết thì được nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh thường xuyên như để nhắc ta rằng nó chính là một phần của thế giới này, có sống thì có chết, không có gì là tồn tại mãi mãi. Từ “Kitchen”, “N.P” đến “Vĩnh biệt Tsugumi” ta đều ít nhiều bắt gặp. Riêng ở “Amrita”, tất cả những điều này còn được khắc sâu, tô đệm thêm bởi từng từ, từng ngữ mà nhà văn đã dùng để truyền tải ý nghĩa của cả thiên truyện. Quả thật, không ngoa khi nói rằng “Amrita” giống một cuốn sách triết học đậm màu huyền bí, kiểu như “tư duy trừu tượng” nhiều hơn là một cuốn tiểu thuyết đơn thuần. Chẳng dễ dàng khi cứ đọc hết trang này sang trang khác mà chẳng rõ truyện đang nói về cái gì, nhất là khi ta lại chưa thật hiểu bản chất của tiêu đề “Amrita” nghĩa là gì. Nhưng càng tò mò muốn khám phá hết thế giới quan mà “Amrita” đã mở ra ta càng muốn đọc hết, hiểu hết từng lời trong đó. Tôi có cảm tưởng như mình đang được chơi một trò chơi RPG (role play game, trò chơi nhập vai) mà tôi, người đọc chính là nhân vật chính. Đọc truyện mà chẳng hiểu rõ bản chất truyện viết về cái gì thì cũng chẳng khác gì một cô gái bị ngã đến độ chấn thương não và mắc chứng rối loạn trí nhớ tạm thời. Cứ như thể chính chúng ta đang sống cuộc sống bồng bềnh, vô định của cô hơn là ta đang đọc về một nhân vật như thể. Cho đến tận cuối cuộc hành trình tìm về với cái Tôi cũ, cái Tôi với kí ức vẹn toàn của nhân vật cũng chính là lúc ta thoát khỏi kiếp trôi nổi đó, khám phá được ý nghĩa thực của “Amrita”. Phải chăng chính điều này đã làm nên sự thú vị cho “Amrita” ? Chỉ khi đọc xong rồi bạn mới có thể trả lời mà thôi.

2 comments:

  1. Ngoài ra, các truyện ngắn của Banana Yashimoto cũng rất hay nữa.
    Nghe nói Yu chan mở blog, Meg lóc cóc chạy sang đây. Chắc Yu ko nhớ Meg đâu nhỉ! Meg ủng hộ Yu, chờ Yu dịch truyện nhé, đặc biệt là bộ Blue bloods ấy, chờ cuốn Revelations phải ko nhỉ? ^^

    ReplyDelete
  2. Hic, sao Yu không nhớ Meg được, tác giả của bao fic nổi như cồn trong TVE :x

    ReplyDelete