Tuesday, March 16, 2010

Kitchen - Banana Yoshimoto


Lần đầu tiên xuất bản tại Nhật vào năm 1988, “Kitchen”, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn trẻ Banana Yoshimoto ngay lập tức trở thành một hiện tượng với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản, hai lần được chuyển thể thành phim và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, gặt hái được nhiều giải thưởng văn học quan trọng, trong đó có giải thưởng Nhà văn mới xuất sắc nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản và giải thưởng Văn học Izumi Kyoka cùng vào năm 1988. Báo chí gọi đó là “Hội chứng Banana”.

Kichen, không nghi ngờ gì, chính là bước khởi đầu tuyệt vời của Banana Yoshimoto. Câu chuyện kể về Mikage Sakurai, một cô gái trẻ có cá tính; từ sau cái chết của người bà, cũng là người thân duy nhất còn lại trên cõi đời này, Mikage luôn cảm thấy cô đơn, lẻ loi, nhiều khi trống rỗng. Có lẽ chính điều đó khiến cô nhanh chóng kết bạn với Yuichi Tanabe, một sinh viên cùng trường đại học với cô, một người mà cô đã từng được biết qua lời kể của người bà quá cố. Lúc còn sống, bà của Mikage vẫn thường đến mua hoa ở cửa hàng nơi Yuichi làm thêm sau giờ học, vì vậy tình cảm hai bà cháu khá khăng khít. Vì lo rằng Mikage có thể bị suy sụp và cần một nơi nương tựa, Yuichi và Eriko, người mẹ kỳ lạ của Yuichi, đã đón cô về cùng sống với họ. Mất đi người thân duy nhất của mình, Mikage như người mất hồn, cô chỉ cảm thấy dễ chịu và phần nào an tâm khi sống trong bếp, một không gian tuy nhỏ nhưng gợi lên biết bao sự đầm ấm của không khí gia đình. Những lúc chuẩn bị bữa ăn cho Yuichi và Eriko, việc duy nhất mà cô có thể làm được như một hành động trả ơn cho lòng hiếu khách của gia đình nhà Tanabe, Mikage ngạc nhiên nhận ra rằng nấu ăn không chỉ là thú vui bổ ích, giúp cô chữa lành tâm bệnh mà đã thực sự trở thành lý do tồn tại đối với cô. Dù vậy, Mikage vẫn tiếp tục sống trong nỗi buồn cô đơn và một mối bất an lúc ẩn lúc hiện, không rõ ràng, chỉ đến khi có một chuỗi sự kiện bất ngờ ập tới, khiến tình yêu chớm nở trong trái tim héo mòn của cô.

Cách dùng đại từ “Tôi” cho nhân vật chính (Mikage) trong “Kitchen” cho phép người đọc cảm nhận được toàn bộ tâm tư cũng như tình cảm của Mikage đối với những nhân vật còn lại trong câu chuyện, thông qua sự mô tả cũng như đánh giá, quan sát của bản thân cô về họ xuyên suốt câu chuyện. Giống như cái cách cô miêu tả Yuichi trong lần đầu gặp mặt: “Nụ cười rạng rỡ quá khiến cho đôi đồng tử của cái người đang đứng đó, nơi thềm cửa quen thuộc, nhìn như gần lại rất nhiều làm tôi không sao rời mắt được.” Hay như cách mà cô cảm nhận về Eriko: “Đây là mẹ cậu ta á? Quá đỗi sửng sốt, tôi không sao có thể đưa mắt nhìn đi nơi khác. Mái tóc dài xoã xuống ngang vai, cặp mắt sắc lẹm có đôi đồng tử lấp lánh thẳm sâu, đường bờ môi rất đẹp, sống mũi thẳng và cao. Toàn thân cô ta toả ra một thứ ánh sáng lộng lẫy tựa như sức sống đang run lên. Cứ như không phải là một con người vậy. Tôi chưa từng thấy một ai như thế.” Trong “Kitchen”, đôi lúc ta cũng bắt gặp những ánh trăng và cả những giấc mơ - những giấc mơ huyền ảo, không rõ là thực hay chỉ là mơ của Mikage. Với sự kết hợp của phép ẩn dụ pha thêm chút huyền bí và lối tả chân cảnh vật cũng như thời gian, Banana Yoshimoto như giúp người đọc “sờ” được vào những ánh trăng ấy, nắm bắt được những giấc mơ ấy. Và tất cả những điều đó đều được Yoshimoto mô tả rất kiệm lời, không dài dòng nhưng sâu sắc, lắng đọng.

Với chưa đầy 200 trang, “Kitchen” thực sự là một “món ăn” văn chương được làm nên bởi những “nguyên liệu” – ngôn từ tinh tế và mềm mại nhất. Nó giống như thứ ánh sáng sáng nhất, xuyên rọi vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta.
“[…] Tôi cứ nằm ngửa ra như thế mà ngẩng mặt lên mái nhà, nhìn vầng trăng và những bóng mây ở bên trên đó, và nghĩ… Tất cả mọi người vẫn thường tin rằng họ có rất nhiều con đường để lựa chọn và có thể tự mình lựa chọn chúng. Nhưng có lẽ sẽ đúng hơn nếu nói rằng, thực ra họ đang mơ thấy cái khoảnh khắc mà mình sẽ được lựa chọn. Tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng vào giấy phút này tôi mới thực sự nhận ra. Tôi nhận ra nó rất rõ ràng bằng một thứ ngôn từ chính xác. Tôi không theo thuyết định mệnh, nhưng những con đường ấy quả thật luôn được định sẵn. Sự hít thở, mọi cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày, những ngày tháng trong vòng quay của nó, một cách tự nhiên, đã định ra những con đường ấy […]


… Ôi, trăng mới đẹp làm sao.”

No comments:

Post a Comment